Nam giới có thể ẩn, hiện tính cách, triết lý sống của mình chỉ qua một kiểu tóc. Một thứ kỳ điệu như vậy không thể và cũng chẳng ai muốn phó thác những người thợ tồi và đây chính là điều mà tôi muốn đề cập đến qua bài viết này: tầm quan trọng của một gã thợ cạo - Barber
Tóc có thể được chỉnh sửa hay còn gọi là cắt tóc. Tạo kiểu, nói cách khác chính là thuần hoá mái tóc, khoe ra ưu điểm và che đi khuyết điểm. Một barber thực thụ sở hữu nhiều quyền lực hơn bạn nghĩ.
Barber, họ là ai?
Nghề thợ cạo sở hữu một lịch sử dài đằng đẵng bởi những chiếc dao cạo thô sơ nhất đã được tìm thấy lẫn trong di tích từ thời đồ Đồng (khoảng 3500 trước Công Nguyên) tại Ai Cập. Trong văn hoá Ai Cập cổ đại, thợ cạo được tôn sùng và trọng dụng không khác gì các siêu sao. Người ta còn cho rằng, các thầy tu và nam giới hoạt động trong lĩnh vực y tế chính là những ví dụ đầu tiên về nghề thợ cạo. Hơn nữa, đàn ông trong thời Hy Lạp cổ thường ghé qua các sạp trong chợ để được tỉa tót râu tóc, chăm sóc móng tay cũng như hẹn hò để bàn luận mọi chuyện trên trời dưới biển. Kiểu dịch vụ dành cho quý ông này sau đó bắt đầu lan rộng ra khắp châu Âu cổ và tiệm cắt tóc (barber shop) trở thành một địa điểm phải ghé qua hàng ngày của các quý ông.
Tranh điêu khắc mô tả công việc của một thợ cạo từ thời Ai Cập cổ đại.
Và cho đến ngày nay, văn hoá Barber vẫn được lưu giữ và phát triển trên khắp thế giới, có thể kể tới Schorem ở Hà Lan, Fellow Barber ở Mỹ, Ruffians tại Anh, v.v…
Ghé qua một barber shop không đơn giản chỉ để cắt tóc. Đến thời Trung Đại, nghề thợ cạo thường được bác sĩ phẫu thuật và cả nha sĩ kiêm nhiệm. Vậy nên bên cạnh tỉa tót tóc tai, một gã thợ cạo thực sự còn có khả năng băng bó vết thương cũng như thành thục về y khoa. Đây cũng là lời giải thích cho chiếc hộp xoay viền đỏ trắng mà bạn vẫn thấy đặt trong các tiệm cắt tóc, đó chính là biểu tượng của máu và bông băng. Với kiến thức về y khoa, cộng thêm tay nghề điêu luyện với kéo và dao cạo đã biến thợ cạo trở thành những nhân vật quyền lực, toàn quyền quyết định cho ngoại hình của các quý ông. Đối với một chàng trai, lần đầu tiên ngồi lên ghế thợ cạo để được cắt tóc, tỉa tót râu chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của họ.
Bước chân vào một barber shop chính là để trải nghiệm một không gian dành riêng cho quý ông. Nơi đây giống như một CLB tụ tập, tán gẫu. Các quý ông được là chính mình, thoải mái chia sẻ mọi thứ và quan trọng nhất là không một người phụ nữ nào được phép bén mảng tới, dù là bất cứ lý do gì.
Văn hoá barber không bao giờ chết!
Barber luôn xử lý tóc theo hướng cổ điển cũng như những kiểu tóc cạo sát mang âm hưởng từ quân đội. Thế nên trong suốt những năm 1960 của thế kỷ trước, những người trẻ tuổi ở châu Âu luôn mong mỏi có được sự khác biệt, họ muốn thoát ra khỏi những kiểu tóc cổ điển có từ thời cha, ông của mình. Phong cách cắt tóc của các barber lúc đó được xem là lỗi thời.
Thời điểm đó tại London diễn ra một bước ngoặt lớn: đàn ông ghé qua tiệm cắt tóc dành cho phụ nữ (hair salon) để có được những kiểu tóc thời thượng hơn. Nhưng những tiệm cắt tóc thuần chất barber không hề sụp đổ. Rất đơn giản, lối sống cũng giống như thời trang, luôn luôn có sự xoay vòng và barber shop lại quay về với vinh quang của mình kể từ những năm 1990, sau một thời gian bị các salon tóc “đè đầu cưỡi cổ”.
Các mẫu tóc dưới đôi bàn tay của barber ngày này vẫn dựa trên những giá trị cổ điển nhưng được khéo léo pha trộn thêm vẻ hiện đại.
Barber shop của thời hiện đại vẫn giữ được bản sắc của mình, là một điểm hẹn, là một “pháo đài” vững chắc dành cho các quý ông, nơi họ có thể ghé qua để gặp gỡ, nói chuyện phiếm, bàn chuyện làm ăn, v.v… Barber shop ngày nay được vận hành theo một triết lý mới: vẫn lấy cảm hứng từ những kiểu tóc cổ điển nhưng được pha trộn thêm vẻ hiện đại một cách tinh tế và khéo léo để thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Cách bài trí nội thất, ghé cắt theo phong cách cổ điển, sự niềm nở, cá tính của những tay thợ cạo vẫn là những giá trị không thể phai mờ đối với một barber shop thực thụ. Nhưng điều quan trọng nhất dù ở bất cứ thời đại nào, barber shop luôn là một điểm hẹn để giao lưu chứ không đơn thuần chỉ là một cửa tiệm.